QĐND - Thứ Ba, 03/04/2007, 10:21 (GMT+7)
Tai nạn và ùn tắc giao thông là điểm nóng của nhiều năm qua còn tồn
đọng mà chúng ta chưa giải quyết được. Là một người lính tôi đã đi qua các cuộc
chiến tranh khốc liệt đối đầu với cái chết trước bom đạn quân thù mà không hề
nao núng. Vậy mà ngày nay giữa thời bình, lại phải chứng kiến nhiều cái chết
thảm khốc do tai nạn giao thông gây ra mà tôi thấy nao lòng. Mặc dù rất nhiều
biện pháp quyết liệt đã được đưa ra áp dụng nhưng tai nạn và ùn tắc giao thông
vẫn gia tăng. Vậy đâu là bản chất của tai nạn và ùn tắc giao thông? Chúng ta
cần nhìn nhận một cách thấu đáo, xác định rõ bản chất để giải quyết triệt để
vấn nạn này…
Hiện tượng có tính quy luật
Trước hết phải nhìn nhận rằng tai nạn và ùn tắc giao thông là một hiện
tượng không nằm ngoài quy luật của tự nhiên. Theo nhận định của các phương tiện
thông tin hay quan niệm của không ít người xưa nay các vụ tai nạn và ùn tắc
giao thông đường bộ xảy ra đều do lỗi của người tham gia giao thông. Dựa trên
quy luật của tự nhiên tôi cho rằng, đây là những nhận định rập khuôn mang tính
võ đoán, hoặc mới chỉ nhìn nhận hiện tượng chứ chưa nhận thức ra bản chất của
vấn đề.
|
Do phóng nhanh,
giành đường, vượt ẩu nên không ít xe tải đã gây ra những vụ tai nạn giao
thông nghiêm trọng trên tuyến đường QL 1A (ảnh Vnn)
|
Thực ra số tai nạn và ùn tắc giao thông là hệ quả tất yếu, là xác suất
tai nạn của gần 20 triệu phương tiện tham gia giao thông cả nước; trong đó đặc
biệt phải kể đến gần 19 triệu phương tiện cá nhân mô tô, xe máy. Một đất nước
80 triệu người mà có đến gần 1/4 dân số có phương tiện ô tô, xe máy. Mọi cá thể
bao gồm: Phương tiện giao thông, con người, các con vật, đồ vật chiếm chỗ trên
đường giao thông. Khái niệm xác suất về nội hàm của nó nói lên mọi lĩnh vực
trong tự nhiên, kể cả mọi hoạt động của con người đều thường thông qua xác
suất. Ví như: Có 100 con người cầm lái xe máy trong số này nhất thiết sẽ có
trạng thái tâm lý nhất định khi đang tham gia giao thông. Tạm thống kê như sau:
50% đi đúng luật, 2% ưa lạng lách, 1% quá nhút nhát, 5% có việc gấp, 2% đang
buồn bực, 3% công việc căng thẳng, 3% có đôi lúc lơ đãng, 1% xe có trục trặc
hỏng hóc, và v.v.. nghĩa là muôn hình vạn trạng. Bởi lẽ từng cá thể của 100 con
người, kể cả phương tiện xe máy của họ trong thực tế không bao giờ đồng nhất,
họ lại chẳng phải tài xế xe máy chuyên nghiệp. Mặt khác tư tưởng tình cảm trong
họ luôn có xu hướng bị chi phối khó tập trung 100% cho ý thức tham gia giao
thông. Vậy mà chỉ cần một sơ sảy là có thể dẫn đến tai nạn, rồi ùn tắc!
Nếu gộp tất cả những trạng thái tâm lý không mong muốn trên khi tham
gia giao thông sẽ dẫn đến n% (xác suất) nguy cơ hoặc sẽ gặp tai nạn. Giá như
tất cả họ cùng đi trên phương tiện giao thông công cộng thì mọi sự đã êm xuôi.
Khi mật độ, số lượng tham gia càng cao thì giá trị xác suất gây ảnh hưởng càng
lớn. Gần 20 triệu phương tiện ôtô xe máy, trong đó cần nhấn mạnh là gần 19
triệu xe máy cá nhân, một số lượng khổng lồ đến 1/4 dân số có phương tiện giao
thông khi mà đường giao thông chưa phát triển tương xứng để đáp ứng cho nhu cầu
đi lại. Người dân có thể không hình dung và hiểu hết ý nghĩa của 19 triệu xe máy
cá nhân để rồi cứ tiếp tục mua sắm thêm.
Sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô
Tuy nhiên, tôi cho rằng những nhà chuyên môn hoạch định chính sách giao
thông vận tải của quốc gia sẽ hiểu rõ ý nghĩa lợi hại của khối lượng xe máy cá
nhân để đưa ra chính sách phù hợp trong chỉ đạo, điều hành. Cái lợi có được
trước mắt từ các nhà máy sản xuất mô tô, xe máy sẽ có lợi nhuận cao, họ cũng
đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước cùng một số khoản tài trợ. Người dân có
xe máy được mua giá rẻ lại tự do đi lại tùy thích, chẳng phụ thuộc ai. Nhưng
cái hại đã nhãn tiền, không lợi nhuận nào từ sản xuất xe máy, không tiện ích
nào từ người sử dụng mô tô, xe máy có thể bù đắp nổi những tổn hại của nó gây
ra: Đối với sinh mệnh con người, ùn tắc giao thông, lãng phí xăng dầu, ô nhiễm
môi trường cùng thiệt hại về vật chất, tinh thần của cá nhân và xã hội.
Đành rằng “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, song so sánh để nhận thức
ra mặt tích cực nào đó thì cũng đáng làm. Hãy lấy sự phát triển của ngành điện
tử làm ví dụ. Ban đầu người ta lắp ráp bằng linh kiện rời thật rối rắm nặng nề
và tốn kém; sau đó cho nhiều linh kiện vào IC, rồi đến chíp điện tử trong đó
được cấy ghép hàng triệu linh kiện, đến nay đã nói đến thuật ngữ lõi (chíp điện
tử) 2 nhân, 4 nhân có tốc độ mạnh, hiệu suất cao dùng cho máy tính. Tất cả đều
để đi đến mục tiêu cuối cùng là: Chuyên môn hóa, thu nhỏ gọn nhẹ vật dụng điện
tử, giảm tiêu hao năng lượng, tối ưu hóa tăng hiệu quả sử dụng. Lẽ nào trong
khoa học giao thông vận tải của nước ta ngày nay không định hướng trước ở tầm vĩ
mô để hàng triệu xe máy cá nhân tự do phát triển chèn lấn, chiếm chỗ phương
tiện giao thông công cộng. Lẽ ra phương tiện giao thông công cộng là giải pháp
tối ưu cho vấn đề đi lại khi dân số tăng cao. Chính từ đây mà hàng loạt vấn đề
nảy sinh nhức nhối cho xã hội nhiều năm qua do quá nhiều phương tiện giao thông
cá nhân phát triển. Hậu quả của nó gây ra khiến ngày nào, trên các phương tiện
truyền thông cũng phải nói đến cụm từ: Tai nạn và ùn tắc giao thông!
Giải pháp giảm tai nạn và ùn tắc giao thông chính là từ mật độ của mọi
phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể gần 19 triệu xe máy cá nhân là nguyên
nhân gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông cần giảm mô tô, xe máy, thay vào đó là
ưu tiên phát triển phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời xây dựng thêm
mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt quan tâm cầu vượt qua các ngã đường
giao cắt, tăng cường khai thác vận chuyển từ đường sắt và đường thủy. Đây là
lĩnh vực thuộc tầm vĩ mô, do các cơ quan chức năng hoạch định. Tôi mong rằng
trong chính sách về giao thông vận tải cần có những bước đột phá mạnh mẽ mới
giải quyết được cơ bản vấn đề tai nạn và ùn tắc giao thông.
LÊ VĂN THƯA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét