Cập nhật lúc :
8:15 AM, 05/06/2008
Ông là Lê Văn Thưa ở thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Chuyện về ông Thưa “môi trường”
Hôm
tôi tìm đến nhà ông, thấy người lạ, chó sủa ăng ẳng ngoài trước cửa
nhưng người đàn ông đứng tuổi mà tôi cần gặp thì vẫn hai mắt dán vào màn
hình computer, những ngón tay lướt trên bàn phím…
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những sang kiến mà ông được giải thưởng. Ông mô tả khá chi tiết về đề tài vừa đạt giải xuất sắc là “bê tông hoá”. Theo quan điểm của ông, đất nước ta đang còn nghèo, trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cần huy động nhiều nguồn tài nguyên. Trong đó, rất nhiều nguyên liệu từ thiên nhiên như đất, đá để san lấp mặt bằng và xây dựng đường sá, cầu cống sẽ làm môi trường bị tổn hại. Còn mấy năm gần đây thì xuất hiện cụm từ “bê tông hoá”, diễn ra từ nông thôn đến thành thị, từ kênh kênh mương đến cầu cống... Vậy nhưng tĩnh tâm nghĩ kỹ lại thì con người đang vô tình lấn chiếm dần phần đất để cây cối sinh sôi phát triển, thu hẹp không gian sống của cây xanh.
Kế đến là nạn chặt phá rừng diễn ra khắp nơi, tác động trực tiếp đến môi trường, mà cụ thể là gây ra nạn lũ lụt hầu như năm nào cũng hoành hành ở miền Trung. Con người cũng làm cho mạch nước ngầm bị suy kiệt, dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng...
Dáng vẻ bề ngoài cao lòng khòng, cặp kính trễ nải, luôn trầm ngâm, suy tư; người nông dân này có niềm đam mê nghiên cứu và những quan điểm khoa học mang tính ứng dụng thực tiễn. Những suy diễn đầy mâu thuẫn về cuộc sống đã dẫn đến những phát kiến của ông. Ông triết lý: con người ta “sinh ra từ cát bụi, rồi trở về với cát bụi”, vậy cớ chi cứ sợ bụi, sợ đất, sợ bẩn, rồi đem bê tông hóa tất cả những gì có thể. Ông thì khác, ông yêu quý đất, yêu quý cây cỏ, yêu quý nguồn nước, yêu quý những đôộng cát vàng nhảy nhót theo từng cơn gió, yêu quý làng quê nơi chôn rau cắt rốn của mình... Chung quy tất cả các phát kiến đều xuất phát từ quy luật tự nhiên, tồn tại trong dân gian, cộng đồng mình sinh sống. Ông Thưa bày tỏ quan điểm về cách làm khoa học của mình như vậy!
Sự nghiệp của “nhà khoa học” chân đất
Không
phải đến lúc ngũ tuần ông mới liên tiếp cho ra đời một loạt phát kiến
được nhiều báo, đài giới thiệu, mà ông đeo đuổi cái niềm say mê nghiên
cứ tìm tòi từ nhỏ, ham đọc sách đông tây kim cổ, lớn lên đi bộ đội Hải
quân vùng V, sau đó sang Campuchia làm nghĩa vụ gần 10 năm... Năm
2005-2006, trong một lần nghe radio, ông biết được Đài tiếng nói Việt
Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên- Môi trường tổ chức cuộc thi với chủ đề
“Môi trường và phát triển”, thế là ông đem những hiểu biết về thiên
nhiên, môi trường trên địa bàn ông sinh sống đem đi thi thố và gặt hái
được thành công vượt ngoài mong đợi.
Lần tham dự đầu tiên (2005-2006) ông gửi 6 đề tài tham dự, đạt giải Ba. Năm 2007, ông gửi 4 đề tài, trong đó có 2 đề tài đáng quan tâm là cây rười bảo vệ cát và bê tông hóa, cả hai đề tài này đều lọt vào giải, trong đó có một giải Xuất sắc. Ngoài các giải thưởng về đề tài môi trường, ông còn có các sáng kiến về tiết kiệm năng lượng từ việc sử dụng đèn sợi đốt, đạt giải Khuyến khích. Đặc biệt là đề tài “Bản đồ theo dõi bão thông dụng” thu hút sự quan tâm của nhiều người. Một thính giả nghe Đài TNVN ở tận miệt vườn Bạc Liêu tên là Tới đã viết thư, gọi điện thoại cho ông xin bản đồ báo bão để phổ biến cho bà con đi biển ở quê anh. Một thính giả khác ở Hà Nội đã gửi vào hộp thư điện tử của ông bày tỏ sự ngưỡng mộ và khuyến khích ông nên in nhiều tấm bản đồ như thế để phổ biến cho ngư dân đi biển.
Gặt hái được những giải thưởng qua các phát kiến giúp ông tự tin hơn trong các đề tài tiếp theo, và điều căn bản là biết được suy nghĩ và việc làm của mình đi đúng hướng. Ở vùng quê ông sinh sống, đôi khi khó đem những điều mà mình biết được ra giãi bày để tìm sự đồng tình. Ông bộc bạch: tôi làm việc “đơn thương độc mã” nên đôi khi cũng cảm thấy đuối, may nhờ có bà vợ dịu hiền ở bên động viên.
Cứ nghĩ tình cảnh quê hương mình còn nhiều cái khó và khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, bão lụt triền miên khiến nguồn nước bị ô nhiễm; dựa trên quy luật hệ thống bình thông nhau, ông nghĩ ra cách bịt kín miệng giếng bằng nilon để nước bẩn khỏi lọt vào, khi nước rút có nước sạch mà dùng. Rồi thì vấn nạn cát bay cát, cát nhảy, bao thế hệ gia đình ông đều chung sống với những đôộng cát vàng, qua quan sát và khảo nghiệm, ông rút ra một điều: chỉ có cây rười mới là giải pháp hữu hiệu để ngăn cát khỏi di chuyển, xâm lấn đất thổ cư. Đây là loại cây thân cỏ, chỉ lớn bằng que tăm, nhưng khá cứng, chịu hạn tốt, ngăn cát bay rất tốt. Phát kiến đạt giải xuất sắc vừa rồi cũng là dựa trên sự đúc kết, suy ngẫm về sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sự tác động, và hài hoà xung quanh môi trường sống của con người.
Người nông dân yêu khoa học này hiện đang sinh sống cùng người vợ đảm đang, một cô giáo trường làng. Hai con ông đang học đại học tại Hà Nội. Vì say mê khoa học, tự mình mày mò, ông đã sử dụng máy vi tính khá thuần thục. “Nhà khoa học chân đất” này rất ham mê tìm tòi, tra cứu thông tin trên mạng internet. Ông bảo: “Cả xã ni chỉ có tui mới đi tranh máy vi tính kết nối internet ngoài quán với bọn trẻ thôi”.
Ông cho biết thêm, sắp tới sẽ tạo blog để kết nối với nhiều bạn bè, khán thính giả nghe Đài TNVN hơn. Năm nay, cuộc thi “Môi trường và phát triển” do Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam tổ chức được phát động kéo dài đến 31/12, với chủ đề “Biến đổi khí hậu và những ứng xử thân thiện với môi trường”. Ông nói: “Tôi sẽ có đề tài hay để tham dự cuộc thi này, nhưng nội dung thì tôi chưa tiết lộ”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét