Ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), người
dân thường gọi người cựu chiến binh Lê Văn Thừa với cái tên trìu mến là “ông
Thừa môi trường”.
Tuy đã vào tuổi 57 nhưng người cựu
chiến binh này vẫn luôn đam mê, tìm tòi sáng tạo và có nhiều sáng kiến thiết
thực phục vụ cuộc sống. Những năm gần đây, ông đã có một số đề tài về “Bê tông
hoá tác động đến môi trường”; “Đóng gói nước giếng”; “Bản đồ theo dõi bão thông
dụng”... được giải thưởng lớn của Bộ Tài nguyên Môi trường.
Quê hương ông nằm vào vùng thiên tai
khắc nghiệt, chịu tác động của khí hậu miền Trung lắm mưa bão và nắng hạn. Sau
mỗi mùa lũ lụt, người dân ở đây gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng nước sinh
hoạt hàng ngày. Sau nhiều đêm thức trắng, trăn trở với suy nghĩ làm sao mọi gia
đình có nước sạch hợp vệ sinh dùng ngay sau khi nước lũ rút, ông Thừa đã nghĩ
ra phương pháp dùng ni lông bịt chặt miệng giếng thơi của gia đình mình trước
khi nước lũ tràn về. Sau khi nước lũ rút, mở tấm ni lông ra thì nước trong
giếng vẫn trong xanh không bị nước lũ làm vẫn đục như trước đây. Từ kết quả
này, ông phổ biến rộng rãi cho các gia đình trong vùng lũ của địa phương ứng
dụng làm theo.
Đau đáu về vấn đề hậu quả của bê
tông hoá trong xây dựng cơ bản, ông Lê Văn Thừa cho biết, hiện chúng ta đang sử
dụng quá nhiều bê tông xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng dẫn nước
cho cây trồng; xây nhà trường, trạm xá, nhà trẻ, mầm non, xây nhà ở, tường rào,
sân vườn gia đình...Từ thành thị, bê tông hoá đã về tới vùng nông thôn làm thay
đổi bộ mặt nông thôn mới. Nhưng đồng nghĩa với thuận lợi và ưu điểm, bê tông
hoá đã và đang thu hẹp dần sinh cảnh của cây xanh làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Hậu quả con người đang phải gánh chịu là nạn hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt
trầm trọng và lũ lụt xảy ra nhiều nơi gây thiệt hại về người và tài sản nhân
dân. Đề tài “Bê tông hoá tác động đến môi trường” của ông đã được Hội đồng khoa
học của Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá cao và trao giải thưởng cho ông.
Chia sẻ nỗi đau của bà con ngư dân
do bão Chan chu gây ra năm 2006, ông Lê Văn Thừa đã bỏ ra nhiều ngày liên tục
để hoàn thành vẽ tấm bản đồ theo dõi bão. Đây là những kinh nghiệm, kiến thức
tích luỹ được trong nhiều năm đúc rút từ thực tế về thiên văn, địa lý để vẽ nên
bản đồ theo dõi bão. Bản đồ này hiện đang được nhiều ngư dân sử dụng, trở thành
“Người hoa tiêu dẫn đường cho ngư dân hoạt động trên biển”.
Trăn trỏ lớn nhất của ông Lê Văn
Thừa hiện nay là về biến đổi khí hậu, sự nóng dần lên toàn cầu. Theo ông, để chống
biến đổi khí hậu có hiệu quả không chỉ có những nhà khoa học, những nhà hoạch
định chính sách mà rất cần sự tham gia của cả cộng đồng. Trước hết cần thay đổi
ý thức hệ của con người trong việc phòng chống biến đổi khí hậu./.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét