Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

"Giáo sư Thưa" và chiếc bản đồ theo dõi bão

09/01/2008


 Cựu binh Lê Văn Thưa bên chiếc bản đồ theo dõi bão của mình
Không chơi Võ lâm truyền kỳ, không đánh cờ tướng vậy mà cựu binh Lê Văn Thưa ngồi thừ trước máy tính cả ngày. Đám trẻ sinh nghi và chúng phát hiện: ông đang ngồi vẽ cái chi đó ngoằn ngoèo. Đó là những ngày ông mất ăn mất ngủ vì tìm hiểu để sáng chế chiếc bản đồ cho bà con ngư dân tránh bão trên biển…
Men theo triền cát trắng dọc bờ sông Nhật Lệ, tôi tìm đến nhà cựu binh Lê Văn Thưa. Mấy năm lại đây, bà con vùng cát thường gọi đùa ông theo nhiều tên đệm: Thưa khoa học, Thưa vì người nghèo hay Thưa khùng… Sở dĩ vậy bởi chỉ trong vòng 2 năm qua, người cựu binh nghèo này đã đưa ra nhiều ý tưởng và tự mày mò để biến những ý tưởng đó trở thành hữu ích cho người dân nghèo không riêng gì vùng cát trắng Quảng Bình.
"Giáo sư" làng Tiền
Ai gọi bác Lê Văn Thưa bằng cái tên gì cũng mặc kệ, đám trẻ con trong làng chỉ gọi là "giáo sư Thưa". Chúng quý trọng ông cũng phải, bởi trước đây những ngày hè chăn trâu trên cát bỏng, khát cháy cổ họng cũng chỉ biết nhìn nhau cho đỡ khát.
Còn bây giờ, nhờ có sáng kiến của ông nên nước ngọt cứ chảy tràn trên cát trắng. Bọn trẻ tha hồ uống, tha hồ tắm. Còn nữa, ở làng Tiền này đố ai ngồi ở quán Internet nhiều như ông. Không chơi Võ lâm truyền kỳ, không đánh cờ tướng vậy mà ông ngồi thừ trước máy tính cả ngày.
Đám trẻ sinh nghi và chúng phát hiện: ông đang ngồi vẽ cái chi đó ngoằn ngoèo. Đó là những ngày cựu binh Lê Văn Thưa mất ăn mất ngủ vì tìm hiểu để sáng chế chiếc bản đồ cho bà con ngư dân tránh bão trên biển…
Sinh năm 1952, tròn 19 tuổi, Lê Văn Thưa (xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào năm 1971. Vốn là ngư dân thường cưỡi sóng vượt gió đánh cá vùng biển quê nhà nên Lê Văn Thưa được phân công vào lực lượng Hải quân.
Tổ quốc an bình, Lê Văn Thưa lại cùng đồng đội ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo Phú Quốc thương yêu. "Được 1 sao 2 gạch tui xin về hưu, về hưu để được làm nông dân, được tắm mình trong triền cát quê hương", ông cười khà khà bảo vậy.
Chân ướt chân ráo về làng, qua đài báo ông biết tin bão Chan chu lướt qua vùng biển Đông đã cướp đi hơn 100 ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông đau với nỗi đau của các ngư dân và ông rùng mình khi thấy bà con ngư dân làng mình lại phải dong buồm ra khơi trong mưa gió. Tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh, nhưng làm sao để tránh bớt rủi ro cho bà con. Câu hỏi đó đã bao đêm làm ông mất ngủ. Ý tưởng làm chiếc bản đồ theo dõi bão thông dụng của ông ra đời từ đó.
Thấy ông suốt ngày ghi ghi, chép chép, mày mò nên vợ ông, bà Nguyễn Thị Tình can ngăn: "Cả đời ông lăn lộn chiến trường, giờ Nhà nước cho nghỉ thì cứ nghỉ, ông động viên chăm sóc vợ con là được rồi".
Song đời nào ông chịu, ông vỗ về phân tích và bà hiểu ra chồng mình đang theo đuổi một nghĩa cử hết sức nhân văn. Tấm bản đồ thông dụng có thể hướng dẫn mọi ngư dân biết hướng di chuyển của bão, để tìm cách đề phòng tránh bão đã được ông Lê Văn Thưa vạch ra trong đầu.
Từ bản đồ tránh bão đến hàng loạt sáng kiến ra đời
Những kiến thức được trang bị khi còn ở Hải quân về theo dõi bão đã trang bị rất nhiều cho ông Lê Văn Thưa trong việc thực hiện làm tấm bản đồ theo dõi bão thông dụng để các ngư dân đều có thể sử dụng được. Từ đó, họ biết hướng di chuyển của bão, dự đoán và chuẩn bị cho mình phương án tránh bão hữu hiệu nhất.
Gần 4 tháng trời, cựu binh Lê Văn Thưa mày mò tìm đọc tư liệu và cách đo đạc, vẽ, tính toán tỷ lệ từng chi tiết trên bản đồ. Những quyển sách địa lý của con cũng được ông đọc để tìm thêm tư liệu. Rồi ông lùng sục tìm tòi ở các thư viện, nhà sách ở Quảng Bình…
Song tất cả tư liệu đều chống lại ông, bởi không có quyển sách nào dạy ông xây dựng một tấm bản đồ biển như ý tưởng. Không có trong sách nhưng tư liệu có nhiều trên mạng, mấy cậu sinh viên về nghỉ hè bảo vậy.
Cựu binh Lê Văn Thưa lại mày mò học máy tính. Chiếc máy tính của con bị ông "trưng dụng" gần 3 tháng trời. Khi ông tự tin vào trình độ tin học của mình có thể vào cái Internet của làng, thì cũng là ngày đầu chuẩn bị cho hàng tháng trời tiếp theo ông giam mình trước màn hình máy tính.
Nhiều người dân thôn Tiền không hiểu ông đang làm gì, có người nói ông điên, khùng. Già rồi còn vào quán chát chít, hay là cha Thưa có người yêu khi còn đi bộ đội? Chắc vào xem phim "mát" đó mà…
Không phân bua, ông mặc kệ, vả lại ông còn tâm trí đâu nghe lời họ bàn tán bởi cái bản đồ mà ông nghĩ nó vẫn chưa được sinh ra. Đám trẻ trong làng là những người phát hiện ra việc ông Thưa đang làm đầu tiên. Chúng gọi ông là nhà "bác học" bởi vì ông vừa nghiên cứu lại thỉnh thoảng "cứu nét" cho chúng khi chơi điện tử. Sau nhiều tháng trời mày mò tự học, tự nghiên cứu, ông  Lê Văn Thưa đã vẽ được tấm bản đồ theo ý muốn của mình
  Dương Sông Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét