Thứ hai , 10 / 12 / 2007, 11: 31 (GMT+7)
Giao thông
đô thị của Việt Nam
vẫn luôn là một vấn đề nan giải với các nhà quản lý và những hậu quả của việc
ùn tắc giao thông gây ra thực sự đáng tiếc. Trước vấn đề nóng bỏng này, anh Lê
Văn Thưa tại Quảng Bình tỏ ra rất bức xúc và muốn chia sẻ những suy nghĩ cũng
như giải pháp của mình.
Thời gian gần đây ùn tắc giao thông luôn xảy ra thường xuyên ở đô thị mà đặc biệt là hai trung tâm đô thị lớn thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đường phố đã trở nên chật hẹp trước số lượng quá lớn phương tiện tham gia giao thông đặc biệt là xe gắn máy. Hoạt động đi lại là một nhu cầu tối thiểu không thể thiếu của con người, chẳng lẽ chúng ta chịu bó tay trước cảnh ùn tắc giao thông cứ xảy ra thường xuyên.
Nguyên nhân nào đã dẫn đến ùn tắc? Nhìn bề ngoài thì thật đơn giản là đường phố đã không kham nổi mật độ con người và phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, điều cốt lõi là do phát triển đô thị của chúng ta đã không lường trước quy hoạch đường giao thông đáp ứng cho nhu cầu về lâu dài. Chúng ta vẫn loay hoay để mong thoát khỏi tình trạng bế tắc này tuy nhiên các giải pháp đưa ra chưa mang tính thuyết phục cũng như chưa đem lại hiệu quả thực tế.
Bản chất của ùn tắc giao thông lúc này là số lượng phương tiện đã vượt quá khả năng đáp ứng của đường giao thông. Vậy mục tiêu tiên quyết lúc này phải là tìm cách giảm số lượng phương tiện và tăng diện tích mặt đường giao thông. Ngoài ra việc tuyên truyền giáo dục ý thức con người, học luật giao thông, đội mũ bảo hiểm, các biện pháp hình thức xử phạt v.v... cũng cần được bổ trợ thường xuyên.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc thời gian qua chúng ta chỉ xoay quanh ý thức của người tham gia giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông mà bỏ qua việc chính yếu là mật độ tham gia giao thông cao. Việc cần thiết lúc này là chủ trương biện pháp của cơ quan chức năng kết hợp với ý thức người dân cùng nhau tham gia đi lại trên phương tiện giao thông công cộng đây là cách để đem lại hiệu quả thiết thực. Nó vừa mang tính cộng đồng, vừa chuyên môn hoá khâu giao thông , đặc biệt trong các đô thị lớn. Mục tiêu giảm phương tiện cá nhân xe gắn máy là vấn đề cốt lõi thực tế ở nước ta cho dù có gặp khó khăn. Hơn nữa, thông qua đó sẽ giải quyết được cả loạt vấn đề mà lâu nay còn nan giải như:
- Giảm mật độ phương tiện (chủ yếu là xe máy) tham gia giao thông.
- Bớt chỗ để xe, gửi xe gây rối rắm
- Tiết kiệm được những tổn phí từ mua sắm đến phí xăng dầu và nhiều phí tổn khác cho người sử dụng xe máy.
- Giảm những ảnh hưởng từ ô nhiễm khói xã, tiếng ồn, mỹ quan đô thị
- Giảm căng thẳng cho lực lượng thường trực kiểm soát giao thông...
Như vậy từ một việc tác động vào giảm phương tiện cá nhân xe gắn máy ta sẽ nhận được một loạt lợi ích đi kèm nó giống như việc tác động vào một quân bài Đôminô làm thay đổi toàn bộ hệ thống quân bài kế đó. Khi đưa ra chủ trương phù hợp thì sẻ giải quyết được cả một loạt vấn đề đây chính là sự hiệu ứng Đôminô.
Phát triển phù hợp đường giao thông đồng thời giảm thiểu phương tiện cá nhân xe gắn máy đi bằng phương tiện giao thông công cộng là việc làm trước mắt cũng như lâu dài. Chừng nào chưa giảm được phương tiện cá nhân xe gắn máy thì chừng đó nạn ùn tắc ở đô thị như thủ đô Hà N ội và thành phố Hồ Chí Minh vẩn còn tiếp diễn. Tôi nghĩ rằng trước mắt cần cấm dần xe máy đi vào một số đường phố đồng thời cấm học sinh, sinh viên dùng xe máy đi học. Vận động cán bộ công nhân viên chức nhà nước đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về việc sử dụng phương tiện cá nhân xe máy sẽ dẫn đến nguy cơ gặp tai nạn và gây ùn tắc giao thông, đi lại trên phương tiện giao thông công cộng là thực sự đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân và xã hội.
Quý vị và các bạn có ý kiến đóng góp xin gửi về hòm thư banbientap@vtv.vn. Chúng tôi luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quý vị.
(Theo VTV )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét