Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Một loài cây bản địa hữu ích đang bị xâm hại

Cập nhật lúc : 11:13 AM, 06/06/2011

(VOV) - Cây rười một loài cây sống trên vùng cát ven biển Quảng Bình, được tự nhiên sinh ra để sống trên cát có tác dụng chống cát bay, cát chảy
Cây rười là một loại cỏ sống tập trung nhiều trên cát trắng thuộc huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và một phần của TP Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Loài cây này có thân ngầm cành cũng chính là lá hình ống cứng đây chính là nét đặc trưng của loài cây này để phù hợp với môi trường sống khắc nghiệt trên cát, chịu đựng được cát bay trong mùa gió bão
Bộ rễ dày và thân ngầm của cây ruời ôm giữ cát

Cây rười thường sống mọc thành bãi lớn chạy dài hàng cây số nhưng cũng có thể mọc thành từng khóm cụm. Loài cây này mọc lên ở đâu là vùng cát đó được lèn giữ chặt ổn định không còn cơ hội để gió bão thổi cát bay tạo ra các cồn cát di động khó lường. 
            Cánh đồng rười tít tắp phủ xanh miền cát trắng (Ảnh tư liệu)
    Người dân sống ở vùng ven đồi cát từ xưa cho đến nay nhờ đến cây rười để đun nấu, che lợp nhà cửa nương vườn và chăn nuôi trâu bò. Phải nói cây rười đã đóng góp một vai trò không nhỏ trong việc bảo vệ vùng cát một cách tự nhiên. Kết hợp với con người đem trồng cây phi lao trên các đồi cát đã có tác dụng hiệu quả rõ rệt qua suốt thời gian.
    Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây cây rười tự nhiên đã và đang bị con người xâm hại nghiêm trọng. Những bãi cây rười mênh mông đã dần biến mất do việc giao đất giao rừng người được giao đất họ có thể xây dựng, đào hồ nuôi tôm hay trồng bất cứ thứ gì. Cho dù nơi đây vẫn luôn được coi là rừng là phòng hộ. Những bãi rười tự nhiên hàng chục, hàng trăm ha đã bị đốt bỏ, cày xới. Đáng buồn hơn rừng cây phi lao cũng bị vạ lây, những gốc phi lao cổ thụ cả trăm tuổi do ông cha ngày xưa trồng, nay bị đốn hạ, đốt cháy để lấy chỗ đem trồng những thứ cây mà không biết mấy chục năm sau liệu có trả lại bằng được như rừng cây đã phá bỏ?

Vùng cây rười và phi lao thành vùng hồ tôm nhiều năm nay
  Còn một nguy cơ khác giá cả chất đốt đang ngày một tăng cao, người dân sẽ quay lại dùng cây rười làm chất đốt. Cây rười đang mất dần không gian sống tại chính nơi mà nó đã được sinh ra, hiện chỉ còn lại những bãi rười nhỏ và đang tiếp tục bị thu hẹp dần.
Trong lúc chúng ta đang phải nhập ngoại giống cây phi lao, cây tràm, cây keo… đem về trồng chống cát bay thì người ta lại triệt hạ một loài cây bản địa có tác dụng chống cát bay theo cách của tự nhiên như cây rười.

Rười và phi lao bị đốt cháy cày xới phá bỏ
   Đã đành chưa thể đem nhân rộng cây rười trên dải cát miền Trung, hay xuất khẩu cho các vùng sa mạc cát trên thế giới. Tuy nhiên, cũng cần bảo tồn nguồn gene một loài cây bản địa cho sự đa dạng sinh học chứ không phải triệt hạ đi loài cây này. Cần phải dành không gian sống tự nhiên cho cây rười như nó vốn đã trường tồn từ khi khai thiên, lập địa phủ xanh cát trắng nơi đây. /.

Lê Văn Thưa
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét