Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Cần hướng đến phương tiện giao thông công cộng

20/09/2008
Nhiều năm qua, mặc dù chúng ta đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, nhưng cho đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Vậy đâu là nguyên nhân? Đây là một câu hỏi lớn đặt ra cho nhà hoạch định chính sách đến mỗi người dân phải suy ngẫm.
      Mỗi năm nước ta có trên 12 ngàn người chết, ngần ấy người bị thương tích từ tai nạn giao thông. Điều đó cho thấy, các giải pháp nhằm lập lại trật tự ATGT của chúng ta chưa đi đúng trọng tâm. Theo chúng tôi, để giải quyết vấn đề, trước hết phải xác nhận đúng đâu là bản chất của tai nạn và ùn tắc giao thông? Trong thực tế, chúng ta mới chỉ nhìn hiện tượng đã đánh giá bản chất. Đó là chỉ nhìn vào các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông cụ thể để rồi nhận thấy có người đã sai phạm dẫn đến hậu quả. Rồi đi đến suy diễn một cách võ đoán cho tổng thể vấn đề rằng, nguyên nhân chính để xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông?! Quan niệm này luôn xuyên suốt trong dư luận để rồi mọi giải pháp đưa ra đều xoay quanh việc làm thế nào nâng cao ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông.
      Phải nhìn rộng ra, ngày nay trên hết thẩy mọi ngõ ngách của đất nước không nơi nào thiếu bóng dáng xe gắn máy. Xe  gắn máy đã trở thành phương tiện phổ thông tràn ngập khắp nơi, đặc biệt ở vùng đô thị. Khi quá nhiều phương tiện cá nhân tham gia giao thông, thì kèm theo đó một tỷ lệ, xác suất nhất định không thể tránh khỏi về tai nạn và ùn tắc giao thông là đương nhiên. Thực tế sự có mặt của 22 triệu chiếc xe gắn máy chính là áp lực, là căn nguyên dẫn đến nhiều hiểm họa. Nói rõ hơn, bản chất của tai nạn và ùn tắc giao thông là xuất phát từ chính mật độ giao thông quá dày. Điều đáng nói là càng tai nạn và ùn tắc giao thông thì lại càng phát triển nhiều xe gắn máy. Chỉ tính riêng trong năm 2007, cả nước tăng thêm 3 triệu chiếc.
      Mật độ giao thông chính là số lượng phương tiện trên diện tích mặt đường. Sự bất hợp lý đã hiện rõ giữa tốc độ phát triển phương tiện với phát triển đường giao thông. Nhưng, cho dù có phát triển đủ đường giao thông mà số lượng phương tiện xe gắn máy không giảm thì tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn luôn hiện hữu. Điều đáng tiếc là quy luật ngẫu nhiên xác suất về an toàn và tai nạn trong giao thông (với mật độ phương tiện cao) không được tính đến.
      Ngạn ngữ có câu: “Khéo ăn thì no khéo co thì ấm”. Trong giao thông chúng ta cũng phải biết tính đến cách “co” lại cho hợp lý. Theo chúng tôi, hợp lý nhất là phát triển phương tiện giao thông công cộng. Phát triển và sử dụng phương tiện giao thông công cộng không chỉ giảm mật độ các phương tiện tham gia giao thông khác - hệ lụy dẫn đến hậu quả tai nạn và ùn tắc giao thông - mà còn giảm được những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Trong thời buổi khủng hoảng về năng lượng và tài chính, Nhà nước luôn kêu gọi chống lãng phí thực hành tiết kiệm mà 22 triệu xe máy cứ đầy đường thì đây là một sự thách thức, góp phần không nhỏ trong nhập siêu cao từ xăng dầu cho đến các phụ kiện cung ứng. Bên cạnh đó còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động đỏ, đặc biệt là đối với các thành phố lớn của nước ta.
      Có thể nói, hướng tới sử dụng phương tiện giao thông công cộng giảm thiểu xe gắn máy theo chúng tôi là giải pháp tối ưu. Không thể cứ phải chờ đến lộ trình 5 năm, 10 năm sau với định hướng phát triển xe gắn máy đến năm 2020 cả nước đạt đến 35 triệu chiếc?! Không một giải pháp nào có thể thay thế được khi mà mật độ phương tiện đã vượt quá khả năng đáp ứng của đường giao thông và mật độ dân số cao của nước ta. Nếu tạo được một nếp văn hóa sử dụng trên phương tiện giao thông công cộng thì tự nó sẽ triệt tiêu ngay nhiều hệ lụy khác. Lâu nay, các phương tiện thông tin tuyên truyền mới xoay quanh người tham gia giao thông cần có ý thức về luật và văn hoá giao thông là chưa đủ. Thiết nghĩ, cần hướng tuyên truyền thực tế hơn, kêu gọi người dân giảm xe gắn máy, sử dụng phương tiện giao thông công cộng; đi xe đạp, đi bộ trên các quãng đường ngắn…Đó mới là cách thiết thực để giữ gìn trật tự ATGT, giảm thiểu tai nạn mang tính bền vững ở đất nước ta. 

Lê Văn Thưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét