Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Chẳng ai bỏ làng đi vì lũ lụt!

Thứ Năm, 09/12/2010, 09:19 (GMT+7)

TTO - Tôi là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất luôn phải đối mặt với hiểm họa thiên tai lũ lụt. Tuy nhiên qua cuộc sống tôi lại nhận ra từ tổ tiên ông cha chúng tôi cho đến thế hệ ngày nay chưa ai bỏ làng ra đi vì lũ lụt.
Không riêng gì ở quê hương tôi mà hầu hết mọi làng quê sống trên những vùng lũ lụt của đất nước mình đều thế cả. Điều gì đã níu kéo bà con mình ở lại như vậy?
Trước hết cũng cần phải khái quát nhận thức về bản chất của lũ lụt. Lũ lụt diễn ra thường mang tính quy luật của tự nhiên chủ yếu vào mùa mưa bão. Khi lượng mưa lớn trong thời gian nhất định trên một phạm vi nào đó thì các vùng trũng thấp, hạ lưu con sông con suối sẻ xuất hiện ngập lụt.
Nguyên nhân: do các vùng cao hơn như đồi núi đổ nước xuống, các dòng suối dòng sông không thoát nước ra sông ra biển kịp. Mức độ lũ lụt lớn hay bé, diễn biến nhanh hay chậm tùy thuộc lượng mưa và mức thoát nước trên các dòng sông, suối đó. 
Nước lũ lụt quê tôi (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đỏ ngầu phù sa
Đất nước ta vùng nhiệt đới, lắm nắng nhiều mưa nên không năm nào không diễn ra đâu đó thiên tai bão lũ (bài viết này chỉ bàn đến vấn đề khí hậu tự nhiên vốn có ở nước ta chưa đề cập đến biến đổi khí hậu toàn cầu).
Lũ lụt gây thiệt hại nhưng cũng mang lại nhiều lợi ích
Điều cần suy nghĩ ở đây là thay vì bỏ làng, bỏ xứ ra đi, hạ lưu các con sông, ven sông ven suối luôn là nơi tập trung dân cư sinh sống đông đúc. Thậm chí ở đây kinh tế luôn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt đối với vùng sản xuất nông nghiệp. Nổi bật là lưu vực sông Cửu Long và sông Hồng là 2 vùng đồng bằng vựa lúa chủ chốt của đất nước.
Ở khu vực miền Trung cũng thế, ven các con sông thường xảy lũ lụt cũng là nơi tập trung dân cư khá đông đúc, chủ yếu làm nông nghiệp.
Thiệt hại vì lũ lụt thì không cần bàn cãi nhưng cần khẳng định rằng vùng đồng bằng là đất nông nghiệp chủ yếu của nước ta hầu hết đều nằm trong vòng chi phối của lũ lụt, của mùa nước nổi và chính lũ lụt đã nuôi sống đất nông nghiệp bằng lượng phù sa màu mỡ mà lũ lụt mang về.
Sau lũ lụt, bùn non (phù sa) phủ tràn đồng ruộng quê tôi
Vùng cát vốn khô hạn nay chứa đầy trên các bàu nướcqua các đợt mưa lũ lụt năm nay
Đó là chưa nói lũ lụt, nước nổi đã cung cấp một lượng cá tôm cực kỳ dồi dào; thay mới những ao tù nước đọng; tiêu diệt các loài sâu bọ gây dịch bệnh đặc biệt là nạn chuột đồng gây hại lúa cơ bản bị tiêu diệt... tạo thuận lợi cho người nông dân sản xuất vào mùa vụ tới.
Dựa vào thiên nhiên mà sống, biết cách tồn tại phát triển bền vững ngay trên chính mảnh đất thường bị bão lũ là cách ông bà đã đã lựa chọn và lựa chọn đúng.
Bài, ảnh: LÊ VĂN THƯA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét