Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Thảm họa liên hoàn - thách thức cho nhân loại

Cập nhật lúc : 4:09 PM, 17/03/2011

Nổ lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima
(VOV) - Động đất, sóng thần, nổ lò phản ứng là thảm họa mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Đây cũng là thách thức với nhiều nước trên thế giới

Thử xem xét về nguyên nhân khách quan và chủ quan của những thảm họa này. Về động đất, đây là thảm họa của tự nhiên vốn vẫn xảy ra từ khi hình thành Trái đất cho đến nay. Nó xảy ra vào thời điểm nào, mức độ tàn phá đến đâu thì con người vẫn chưa có giải pháp triệt để, hạn chế tác hại của nó.
Về khu vực thường có nguy cơ động đất xảy ra, con người có thể xác định khoanh vùng ở những nơi có các đứt gãy địa tầng. Khả năng chống chịu các trận động đất thực chất mà nói, các nước trên thế giới dù đã lượng định trước, áp dụng nhiều giải pháp chống động đất như ở Nhật Bản, nhưng cũng khó tránh khỏi những thiệt hại, nếu động đất xảy ra gần hay mức độ quá lớn.
Đi kèm với động đất thường là sóng thần. Trận sóng thần ở Sumatra (Ấn Độ Dương) năm 2004 là một bài học đắt giá. Tưởng rằng con người không bao giờ để lặp lại những tổn thất do chưa có cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên ngày nay, khi hệ thống cảnh báo sớm sóng thần được các quốc gia quan tâm đặc biệt và ở một đất nước thường xuyên bị động đất như Nhật Bản càng được quan tâm, nhưng vẫn chịu tổn thất nặng nề qua trận động đất 9 độ richter, tạo ra con sóng thần cao đến 10 mét và ập vào bờ quá nhanh đã không kịp trở tay.
Về những nguyên nhân mang tính khách quan về động đất và sóng thần, con người có thể áp dụng các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại phần nào đó. Nhưng rõ ràng, hiểm họa thiên nhiên có sức mạnh khủng khiếp và bất ngờ này thật khó tránh được những tổn thất có thể hết sức nặng nề cho sinh mạng con người và tài sản.
Không đất nước nào trên thế giới này đã từng trải nghiệm, hiểu rõ mối đe dọa về động đất như Nhật Bản. Là một đất nước có tiềm lực kinh tế dồi dào,  có nền khoa học tiên tiến và hiện đại, họ có khả năng hơn ai hết về kỹ năng chống động đất. Tuy nhiên, qua trận động đất lịch sử vừa xảy ra, họ đã để lộ “gót chân Asin” của mình. Nguồn năng lượng điện dựa chủ yếu vào nhà máy điện hạt nhân như là con dao 2 lưỡi.
Cũng cần nói rằng, vấn đề không phải hoàn toàn là do sử dụng điện hạt nhân mà gây ra thảm họa. Ở Fukushima, nhà máy điện hạt nhân nhìn chung là ưu việt đã chống chịu được động đất mạnh đến 9 độ Richter. Phải nói cụ thể rằng “Gót chân Asin” ở chỗ, lỗi thuộc về hệ thống làm mát của các lò phản ứng hạt nhân. Nguồn điện chính cùng hệ thống điện dự phòng cung cấp vận hành cho hệ thống làm mát bị hư hỏng do động đất, dẫn đến nhiệt độ trong các lò phản ứng hạt nhân không kiểm soát được là nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ vừa qua.
Động đất, sóng thần đã đem đến cho người dân Nhật bản những tổn thất quá nặng nề, nhưng đó là những tác động khách quan khó mà tránh khỏi. Vấn đề là tác động khách quan đó đã động đến cái chủ quan của con người. Thảm họa liên hoàn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng hơn đó là phóng xạ nguyên tử đã phát tán ra ngoài, dù ít dù nhiều từ các vụ nổ của nhà máy điện hạt nhân cũng khiến con người đáng phải suy ngẫm.
Một đất nước cường thịnh như Nhật Bản, thường xuyên phải chống chịu với động đất lại sử dụng kiểu nhà máy điện hạt nhân chưa thật sự an toàn khi gặp động đất. Đến khi thảm họa tự nhiên ập đến rồi mới nhận ra “Gót chân Asin” của mình thì quá muộn. Đó là một bài học đắt giá nữa cho các nước trên thế giới./.

Lê Văn Thưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét