Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Lấy nước từ cát

Thứ Ba, 23/08/2011, 06:11 (GMT+7)

TT - Các dãy đồi cát trắng ven biển ở Quảng Bình, về mùa hè nhìn vào tưởng sẽ rất khô kiệt. Nhưng trong các đồi cát ấy lại chứa nguồn nước không bao giờ cạn. Đồi cát như những “bể” chứa nước (mưa) ngầm. Chỉ cần đào hoặc khơi một dòng mương nhỏ dưới chân đồi cát là nước từ đó từ từ chảy ra quanh năm.
Cứ mỗi trận mưa, hay đến mùa mưa là đồi cát lại được bổ sung nước và giữ nước lại. Nước chảy ra từ cát rất trong, mát lạnh, bởi đã được lọc qua nhiều tầng cát trắng tinh.
Anh Lê Minh Đức ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đang tạo cho gia đình một “công trình” cấp nước tự chảy từ đồi cát sau nhà - Ảnh: Lam Giang
Người dân ở các xã vùng ven biển như Võ Ninh, Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Hồng Thủy, Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy)...  vốn sống trên vùng nước bị nhiễm phèn nặng, phải “tự cứu” bằng nguồn nước lấy từ các đồi cát cao 8-10m và dẫn về nhà. Tại thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, ông Lê Hải Châu - cán bộ thôn - cho biết hiện nay có ít nhất 85% trong số 450 hộ của thôn đang dùng nguồn nước tự cấp này. Nhà ông Châu cũng như người dân trong thôn dùng nguồn nước này từ năm 1980 đến nay.
Ông Nguyễn Đăng Phán, ở xã Hưng Thủy, cho biết so với đào giếng thì lấy nước từ cát thuận tiện hơn, giá thành rẻ vì đây là loại “công trình” tự chảy nên không tốn tiền vận hành, bảo dưỡng, phí mua nước... mà nước lại không có phèn. Làm một chỗ lấy nước như vậy, ông Phán chỉ tốn khoảng 300.000 đồng mua ống nhựa lọc nước, ống nhựa dẫn nước về thẳng bể chứa ở nhà. Sau 2-3 năm sử dụng mới cần phải súc rửa lại bộ ống lọc, do rễ cây hoặc cát mịn lọt vào bịt các lỗ lọc.
Muốn có một “công trình” tự cấp nước như của nhà ông Châu, ông Phán không mấy khó. Chúng tôi đã chứng kiến anh Lê Minh Đức đưa nước từ đồi cát về nhà. Anh Đức đào vào vách đồi một lỗ sâu chừng 2-3m (nếu sâu hơn dễ bị sập cát), sau đó dùng ống nhựa lớn đâm sâu dần vào cát độ 8-10m, rồi đút ống lọc nước vào ống lớn, rút dần ống nhựa lớn ra là đã có một vòi nước tự chảy mãi mãi. Hoặc có thể lắp máy bơm vào ống lọc này để bơm nước về, không khác gì bơm nước từ ống lọc của giếng khoan. Để tiết kiệm chi phí hơn nữa, người dân đã chung nhau vài gia đình làm một “công trình” đầu mối, đến chỗ rẽ thì chia nước về từng nhà, chẳng khác gì với nước máy ở TP.
Về các “công trình” tự cấp nước này, ông Nguyễn Văn Được, giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình, khẳng định: “Do nguồn vốn khó khăn nên theo kế hoạch của tỉnh, đến năm 2020 khoảng 90-95% dân số vùng nông thôn mới được Nhà nước đầu tư nước sạch, nên việc dân tự lo nước như vậy là đáng mừng”.
Nhưng điều ông Châu và nhiều người dân băn khoăn lâu nay là sử dụng nguồn nước này có đảm bảo vệ sinh không, có nguy hại gì không? Chúng tôi đã tìm hiểu tại Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Bình và được ông Phan Văn Thu - phó giám đốc trung tâm - cho biết là phải qua kiểm nghiệm trước khi sử dụng mới biết được chất lượng nguồn nước ra sao. Việc người dân sử dụng đã lâu nguồn nước như vậy là đáng lo ngại, vì trong nước tự nhiên dễ có các chất như vôi, kiềm, các loại vi sinh vật gây bệnh ở vùng cát, chưa kể tại các vùng dân cư đang ở đó có nghĩa địa... Nguy hiểm là những thứ mắt thường không thấy được, dù nước rất trong mát. Ông Thu khuyến cáo người dân nên đem mẫu nước đến trung tâm để kiểm nghiệm, hoặc cơ quan nhà nước nào đó liên quan cần làm việc này cho dân.
LAM GIANG - LÊ VĂN THƯA

Ý kiến bạn đọc
 ()
Thực tế cuộc sống
09/09/2011 13:57:33
Tôi là người lớn lên từ nguồn nước đồi cát, ông cha tôi trải qua bao nhiêu đời cũng dùng từ nguồn nước trong vắt này để sinh tồn phát triển. Vậy thì làm sao “người dân sử dụng đã lâu nguồn nước như vậy là đáng lo ngại”? Ai kiểm nghiệm chất lượng nước cho ông cha chúng tôi cách đây hàng trăm hàng ngàn năm để sinh hạ ra đến thế hệ chúng tôi ngày nay. Đó không phải là thời gian với thấm đẩm thực tế cuộc sống đã kiểm nghiệm đó sao?
Cái mà cần phải kiểm tra chất lượng nước đó là hàng loạt giếng khoan từ khoảng 15 năm cho đến nay, khoan sâu xuống đất hàng chục mét. Thứ nước này mới tiềm ẩn nhiễm kim loại nặng đặc biệt là asen và sắt do lấy nước ở tầng sâu. Nhiều giếng khoan khi mới bơm nước lên thì trong nhưng để ít phút sau thì đục có mùi tanh. Người dân vẫn cứ dùng bao năm nay đây mới là điều đáng ngại đề nghị cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng nước giếng khoan trong dân này.

Lê Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét