Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Bài toán về mật độ trong giao thông đường bộ

Cập nhật lúc : 4:00 PM, 06/01/2007
Vovnews 
 

Thực trạng
Các bản tin an toàn giao thông ta nghe mà nóng bỏng thường xuyên như bản tin của một cuộc chiến dai dẳng được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cả nước mỗi ngày mất trên dưới 30 sinh mạng, mỗi năm có hơn 10.000 người bị chết, hơn nửa ngần ấy người bị thương… con số này lại nhằm đúng vào lớp trẻ, vào lực lượng lao động chính trụ cột trong gia đình. Đi kèm theo đó là thiệt hại về phương tiện, tài sản, tiền của chữa trị cho người thương tật, các bệnh viện trung tâm lớn luôn bị quá tải bởi những ca chấn thương nặng do tai nạn giao thông.
Nhìn dòng phương tiện giao thông ken kín dịch chuyển trong các thành phố lớn vào giờ cao điểm làm ta phải nản lòng. Nạn ô nhiễm không khí do khói bụi của các phương tiên giao thông từ đó cũng gia tăng. Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết sách: như tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm các lỗi vi phạm, tuyên truyền trên mọi phương tiện thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau về luật lệ giao thông… Mặc dù vậy vẫn chưa đủ để cải thiện đáng kể về tai nạn và ùn tắc giao thông.
Bản chất của tai nạn và ùn tắc giao thông
Vậy bản chất gốc rễ của tai nạn và ùn tắc giao thông (TN&UTGT) là do đâu? Xưa nay ta vẫn cho rằng người tham gia giao thông là đối tượng gây ra TN&UTGT. Tuy nhiên vấn đề chưa hẳn là như vậy. Điều dẫn đến TN&UTGT thực chất là sự đâm va và chen chúc mang tính ngẫu nhiên ngoài mong muốn (tất nhiên rồi). Theo tôi chính mật độ của những cá thể tham gia giao thông mới là đối tượng bản chất gây ra TN&UTGT.
Những năm gần đây, dân số tăng, kinh tế phát triển, con người mua sắm phương tiện giao thông ngày nay nhiều, mật độ tham gia giao thông tăng lên, dẫn đến TN&UTGT xẩy ra nghiêm trọng hơn. Cũng chính lý do đó, trong các dịp lễ hội, ngày Tết thì TN&UTGT tăng vọt hơn thường ngày do nhu cầu đi lại nhiều, mật độ tham gia giao thông tăng cao.
Vậy điều mấu chốt của thực trạng giao thông hiện nay là chúng ta đã lạm phát phương tiện giao thông cá nhân mà đặc biệt là xe máy (18.600.000 chiếc xe máy đang lưu hành trong dân, theo báo cáo của Bộ trưởng Giao thông vận tải trước Quốc hội ngày 24/11/2006). Mặt khác phương tiện xe máy đặc biệt lợi và hại bởi tính cơ động (lạng lách) và khả năng tốc độ (tăng ga) mà người điều khiển dễ dàng lạm dụng. Vậy nên đây là đối tượng ẩn chứa nguy cơ gây tai nạn. Từ trước đến nay chúng ta thường kết luận các vụ gây ra tai nạn giao thông là do lỗi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà chưa nhìn nhận rằng việc phạm lỗi còn nằm trong phạm trù của tính ngẫu nhiên ngoài ý muốn (theo cách nói dân dã là "rủi ro"). Vì thế, cần quan tâm hơn đến bản chất của vấn đề là mật độ tham gia giao thông.
Bài toán về xác suất- giải pháp
Tai nạn giao thông đường bộ là xác suất trong tham gia giao thông, phát sinh từ muôn vàn lí do một cách tự nhiên. Trong tham gia giao thông không ai có thể chắc chắn mình tránh được mọi rủi ro. Mật độ tham gia giao thông cao như hiện nay thì nguy cơ TN&UTGT càng lớn. Vấn đề xác suất luôn tồn tại trong tự nhiên trên nhiều lĩnh vực nhưng xét về xác suất an toàn và tai nạn trong lĩnh vực giao thông thì đây là việc đáng quan tâm hơn cả vì nó liên quan đến sinh mạng con người.
Bài toán này như sau:
100% (con người+ phương tiện tham gia giao thông) = n% an toàn + m% tai nạn
Giá trị riêng của n hoặc m luôn là ngẫu nhiên, bất định và theo qui luật bù trừ (ví dụ 100 phương tiện tham gia giao thông nếu có 2 gặp tai nạn thì nhất thiết 98 an toàn). Cơ sở kết quả của phương trình này chính là từ mật độ của con người và phương tiện tham gia giao thông trên diện tích mặt đường chứa nó. Giá xe máy càng rẻ, số người đi xe máy ngày càng tăng lên chưa có điểm dừng. Trong lúc đường giao thông không tăng kịp tương đương với số con người và phương tiện tham gia giao thông. Ở đây cần hiểu rằng mặt đường giao thông tốt không làm giảm được tai nạn giao thông mà còn khiến phương tiện gia tăng tốc độ.
Gọi M là Mật độ, P là phương tiện tham gia giao thông, S là diện tích mặt đường chứa nó, ta có công thức M = P/S. Từ công thức này ta dễ dàng nhận ra:
- Mật độ nhỏ giảm tai nạn
- Mật độ khá cao tai nạn tăng
- Mật độ quá cao dân tới ùn tắc
Từ công thức M = P/S ta biết mật độ M càng cao thì nguy cơ xác suất TN&UTGT càng lớn. Đây là bài toán chỉ xét đơn thuần về số học thì giản đơn nhưng để thực hiện được bài toán về giao thông thì lại gặp trở ngại lớn. Cả cộng đồng ai cũng muốn có xe riêng, trong một gia đình mỗi người có một chiếc xe để không lệ thuộc. Sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân không được điều tiết này làm cả xã hội phải gánh chịu hậu quả là TN&UTGT. Nhưng đây là vấn đề sinh tử của con người, và làm ảnh hưởng đến nhịp sống xã hội thì điều gì có lợi hơn ta cần kiên quyết thực hiện. Để giảm mật độ thì buộc ta phải giảm P (phương tiện) hoặc tăng S (diện tích mặt đường) hay cùng giảm P tăng S.
Xét về thực trạng hiện nay thì giảm có định hướng P những phương tiện giao thông dể gây ra tai nạn như xe máy, xe công nông, các loại xe quá hạn sử dụng. Tăng thích hợp S là làm thêm đường giao thông đặc biệt là cầu vượt qua các ngã đường giao cắt. Giải pháp giảm P tăng S là có tính thực tế hơn. Đây là việc thuộc về tầm vĩ mô các cơ quan chức năng nên tính tới.
Một ví dụ cụ thể nhằm giảm mật độ tham gia giao thông: Nếu 1 chiếc xe buýt chở được 50 người, số lượng người trên mà đi bằng xe máy thì phải có ít nhất 25 chiếc, chiếm chỗ rất lớn ở mặt đường, dẫn đến ùn tắc cho giao thông đô thị và gia tăng xác suất tai nạn. Mặt khác, người lái xe buýt là tài xế chuyên nghiệp, anh ta thạo đường và hiểu rỏ luật giao thông thay cho hơn hàng chục người lái xe máy không phải tất cả đều chuyên nghiệp kia. Còn chưa tính đến việc gây ô nhiểm tiếng ồn, khói, lãng phí xăng dầu từ những xe máy đó.
Lời kết
Tai nạn và ùn tắc giao thông luôn là điểm nóng, là nỗi trăn trở thường trực trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên điều nghịch lý là chúng ta không làm sao kiềm chế được và sự việc cứ thế tiếp diễn. Nhiều cái chết đã và đang được báo trước từ tai nạn giao thông. Ai là người sẽ chết tiếp, sẽ thương tật tàn phế suốt đời đây? Mỗi chúng ta cùng các cơ quan chức năng phải có hành động thiết thực trước khi quá muộn. Mật độ phương tiện tham gia giao thông cao chính là nguyên nhân cho xác suất gây tai nạn. Hãy giảm mật độ đó bằng chính là giảm bỏ phương tiện cá nhân tham gia giao thông để cùng nhau đi bằng phương tiện giao thông công cộng- chính đây là giải pháp hữu hiệu giảm tai nạn giao thông./.
Quảng Bình ngày 20 tháng 12 năm 2006
Lê Văn Thưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét