Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Sáng kiến thép gai làm bút, lấy nước tráng dầu

Kể ra thì trong đời, tôi cũng có đôi cái sáng kiến, không chỉ là sáng kiến khơi khơi kể cho có thành tích mà là truyền thông từng nói đến. Thậm chí còn có sáng kiến lại nằm trong lưu trữ quốc gia chính tôi cũng bất ngờ phát hiện ra. Nhưng đây chỉ là sự liên quan nào thôi hôm nay tôi lại muốn nói đến sáng kiến hay là phát minh cho nó hùng hồn nhĩ. Xuất phát từ một đứa trẻ có khi lại là đứa trẻ có sáng kiến sớm nhất mọi thời đại khi mới khoảng 5, 6 tuổi.

  Trước hết phải nói là may mánh nhờ trí nhớ được lưu rất sớm mới dựng lại câu chuyện cười ra nước mắt này. Tôi lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, ai cũng nghèo cả nghèo nhà tôi thì như vầy: tuổi thơ đi chăn trâu tôi chỉ độc 1 chiếc quần đùi (không có quần dài) chiếc quần đùi đó được mẹ tôi nhặt nhặn từ mớ dẻ rách khâu nhiều lớp ra quần. Thành ra tôi cứ mặc mãi lấy gì mà thay người chắc như con cú. Vào 1 ngày nắng đẹp đi chăn trâu tôi nhảy xuống sông tắm tiện thể lột quần ra thả xuống nước giặt. Thì bỗng thấy một lớp gì đó nổi lên ngọ ngậy nhìn ra thì là hàng ngàn con rận đùm trong quần vá đụp vá chằng!

Nghèo nên nhà 5, 6 người chẳng có gì ngoài 1 cái giường mà lại là "cướp" của nhà, cái gọi là bọn cường hào địa chủ thời cải cách ruộng đất. Tuổi thơ 5, 6 uổi cũng giống như mọi đứa trẻ khác vốn hiếu động muốn có nhiều thứ để chơi nhưng thời đó chẵng có gì ngoài vọc đất, bắt bướm hái cây, quá nhiều cũng chán. Tôi mới lò dò sang nhà hàng xóm chơi một dịp mới thấy anh người trong nhà cầm trên tay một cái que gì nhỏ dài đen đen một đầu nhọn viết lên tờ giấy hiện lên những hàng chữ màu đen.  Ôi thế này thì đẹp quá hay quá đi mất ước gì mình có cái thứ gì đó mà viết vẻ được thì sung sướng biết bao.

 Vì quá rụt rè nhút nhát nên tôi không dám đến gần hay hỏi để mà biết nhưng tôi không thể nói rỏ được vì ngọng nặng. Thế là ý nghỉ hiện ra trong óc trẻ thơ tôi cái thứ hay ho viết được của anh nhà hàng xóm kia là thứ gì mà quá tuyệt vời vậy? Có thể đây là lần đầu tiên đầu óc trẻ thơ tôi buộc phải vận động nhìn nhận phán đoán. Rồi tôi lờ mờ so sánh với xung quanh rồi bỗng phát hiện ra đó là cái que sắt còn gì nửa. Ờ hóa ra que sắt lại viết ra được chữ bởi mình là trẻ con nên không biết thôi. Thứ que sắt này thì ở đây không thiếu chỉ hiềm nổi là nó quá khó với bàn tay bé nhỏ của tuổi thơ thôi chính là từ dây thép gai. 

Tôi phải mọi cách tìm kiếm tạo ra cho bằng được như cái mà anh nhà bên viết. Làng tôi thời đó ở cạnh một cái đồn có tên là đồn Võ xá do quân Pháp đóng ở đây đầy dây thép gai thứ mà về sau này có câu thơ “Dây thép gai đâm nát trời chiều” ấy. Sau hòa bình mọi người dân đến gở về rào vườn nhà mình cha tôi cũng lấy về làm thế. Đây chính là cơ hội cho tôi lúc đó tôi phải rình mò để trộm chính từ hàng rào nhà mình chờ khi cha tôi ngã lưng chút nghỉ trưa. 

Tôi không nhớ làm cách nào mới 5, 6 tuổi lại có thể phá hàng rào cắt lấy 1 đoạn dây thép gai. Nhà không có lấy tấc sắt nào ngoài cây rựa của cha tôi chắc phải mấy ngày mới lấy được đoạn dây thép gai. Cái khó nửa là 2 sợi sắt xoắn cùng những chùm sắc nhọn thép gai người lớn có dụng cụ đã khó huống gì đứa trẻ 5 tuổi tay không thời đó. Cuối cùng không biết phải hết bao nhiêu thời gian tôi cũng tạo ra được thứ mà tôi ao ước. Một que sắt từ dây thép gai khâu cuối là mài tôi tính mài thật nhọn để nét vẻ cho nhỏ mới đẹp lúc này thì tôi chưa biết chữ.

 Muốn vẻ phải có giấy nhà không có tôi kiếm tìm được cái bao đựng chè gở ra làm giấy. Lần đầu tiên trong đời cầm giấy và bút vẻ đặt tờ giấy lên giường tôi úp mặt cầm cái bút tự tạo. Vẻ vẻ và vẻ sao nó không chịu ra màu đen giống như anh nhà bên viết? Chắc vẻ nhẹ tay quá tôi mới tỳ mạnh vẻ vẻ… toạc toạc… tờ giấy như vết dao chém. Ôi thôi cái gì thế này tưởng là que sắt vẻ được lên giấy hóa ra không phải sao?! Như vậy cái phát minh đầu đời dùng que sắt từ dây thép gai để viết vẻ đã bị phá sản hoàn toàn

  Sau vụ đó tôi lớn lên chút nửa rồi được đi học vỡ lòng tôi đã có giấy, bút mực và bút chì. Tôi lại phát hiện có sáng kiến hay là tờ giấy trắng tẩm dầu hỏa rồi chồng lên các hình ảnh trên sách báo mà vẻ lại ảnh rất là hay. Tôi về thực hiện ngay liền thó ngay chai dầu hỏa của nhà đỗ lên giấy nhưng khốn thay dầu hết không còn giọt nào. Nhưng vẩn nồng nặc mùi dầu tôi mới nghỉ sao không đỗ nước vào tráng nước cũng lỏng như dầu mà. Tôi đỗ vào nguyên nửa chai nước lã rồi lắc súc càng nhiều chắc dầu nước hòa nhau càng đều. Rồi đỗ ra giấy tẩm, sao giấy không thấy trong lên dù đã ướt đẫm? 

Rồi tôi cũng đặt đại lên tranh ảnh vẻ vẻ bút đưa đến đâu giấy rách nát đến đấy, hỏng rồi! Tôi để nguyên nửa chai nước trong chai đựng dầu đem cất mà không đổ bỏ đi. Một hành động đồng nghĩa với được ăn đòn “lạy cha con ở bụi này”! Tối về dầu cây đèn hết cha tôi vào lấy chai dầu ra  rót rồi châm đèn châm mãi chỉ thấy nổ lách tắt không thể sáng lên. Cha tôi mới nhận ra giấy tờ vung vãi cùng mùi dầu mới hiểu ra cho tôi một trận: -Mầy ngu ngu này… ai đời lấy nước mà tráng dầu hỡi con! Nhờ trận đòn làm tôi nhớ mãi không quên vụ lấy nước tráng dầu này.

Không biết tôi còn sáng kiến trẻ thơ nào quên không nửa nhưng nguyên 2 cái sáng kiến hay gọi là phát minh nghe cho vang trên đã nói lên nhiều điều. Đến thời đại ngày nay kể ra câu chuyện từng trải từ ngày xưa quả là quá khó để mà hình dung. Đến chiếc quần đùi bằng bàn tay cũng không có nổi chỉ là mớ giẻ rách làm nơi sinh sôi loài rận mà AQ, Lỗ Tấn thời trước đó cũng phải nản lòng chịu thua. Gọi là ngôi nhà mà độc mổi chiếc giường cho 5, 7 người, lại là giường “cướp hợp pháp” của nhà người ta. Khốn nạn hay là khốn cùng đây, cũng chẵng buồn lý giải nửa. Tôi cùng thế hệ ông cha trước đã sống nhầm thế kỷ chăng?

Những sáng kiến tìm tòi của trẻ 5 tuổi là chuyện lạ thường nhưng đây chính là thể hiện của đấu tranh sinh tồn từ trong tự nhiên. Đơn giản như ông cha ta: “đói đầu gối phải bò” đói hiểu biết cũng phải bò tìm kiếm. Trẻ thơ tôi đã phải sớm thể hiện cáí bản ngã đầy thách thức với cuộc đời. Những biểu hiện sớm ham hiểu biết ham học hỏi từ một đứa trẻ, trớ trêu thay lại không thể được học hành bị cuộc đời đen bạc giáng cho đòn chí mạng bằng: Nghèo đói - Chiến tranh.

Con người cũng thường gặp phải số phận: may rủi, sướng khổ. Tuổi thiếu thời thì ốm yếu bệnh tật, đói nghèo phải bỏ học. Lớn lên thì dính đúng thời chiến tranh liên miên suốt 20 năm theo đi đánh giặc. Tôi không hề có cơ hội nào được học hành tất cả đều mày mò tự học kể cả những việc khó như: Vẻ ảnh, lĩnh vực điện tử, cho đến máy vi tính… không ai bày cho chữ nào. Con số 0 vẩn hoàn số 0 chỉ học đến xóa nạn mù chữ.

Thế hệ ngày nay thật may mắn chiến tranh lùi xa đã non nửa thế kỷ nay đời sống xã hội đã khá lên nhiều, thế mới nên nghỉ đến thời ông cha họ như thế nào. Câu chuyện cười ra nước mắt về sáng kiến của tuổi thơ tôi đó là cái hình ảnh cố vươn lên trong khốn cùng đói khổ của cuộc đời.

Lê Văn Thưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét