Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Chuyện tình bạn, tình yêu của người lính biển

Tôi được lệnh rời Hòn Đốc đi học lớp tập huấn cán bộ pháo binh tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm tôi mới thực sự tiếp xúc với xã hội con người, chỉ có lính và lính với nhau ở mãi tận góc rừng cuối biển.
 Chỉ khoảng 3 tháng đi tập huấn đây là thời gian dài nhất trong quân ngủ người ta cho tôi đi học. Và cho đến lúc này gần 30 tuổi tôi mới có cơ hội thực sự tiếp xúc với giới nữ. Hóa ra họ cũng không đến nổi nào mà mình cứ phải đỏ mặt tía tai cứ như thừa chân thừa tay khi gặp họ, dù trong lòng lại rất muốn gần gủi.
 Chị Kim Quy và một số bạn ở trường LĐTL
Lớp tập huấn pháo binh của tôi ở gần một trường có cái tên khá lạ: Lao động tiền lương học viên ở trường này lại chủ yếu là nữ. Ngày nghỉ chủ nhật mình chẵng biết đi đâu gặp phải học viên trường này họ cũng thế đều ở xa nhà. Thế là bắt quen may mắn tôi quen một chị là Nguyễn Thị Kim Quy một nhân vật lịch sử của du kích Quảng trị chị từng được dự liên hoan thanh niên sinh viên thế giới. Biết tôi chưa có bạn gái chị rủ về có đến cả chục cô ôi, tôi hoa cả mắt cô nào cũng đẹp cũng xinh kết bạn với họ là nổi ước mơ. Tôi còn nhớ đó là: Khánh Vân, Bạc liêu; Tố Hương, Tiền giang; Lệ Ngành, Quảng bình; Thanh Châm, Đà lạt… Mới đầu tiếp xúc với giới nữ tôi chẵng biết làm sao thổ lộ được lòng mình. Chỉ bằng cách vẻ ảnh và làm thơ tặng các bạn gái. Nên có thơ rằng:
HƯƠNG VÀ BIỂN
Gió hôm nào đưa đến
Đậm đà hương về đây.
Bâng khuâng lời tình biển
quyện với hương đắm say.
Gió hôm nào đưa đến
náo nức hương ngất ngây
Rạo rực tình yêu mến
Biển cùng hương tháng ngày.
Gió hôm nào đưa đến
Nơi nước biếc xa vời
Con thuyền đang lưu luyến
Mà sao hương đi rồi!?
Đã đi rồi có phải
Ơi ngọn gió đưa hương
Biết bao giờ trở lại
Nơi biển nhớ đoạn trường!

ĐỢI
Anh vẩn đợi nơi phương trời xa ấy
Cánh thư về với biển tình mơ
Anh vẩn đợi cùng trăng đêm xa vợi
Vắng đâu em để ngày tháng mong chờ?
XANH
Xanh biếc chiều về mặt biển khơi
Xanh lam nắng sớm rạng chân trời
Xanh ngát trưa rừng cây trên đảo
Xanh xanh ánh mắt nhớ xa vời.
TRẮNG
Sóng trắng gợi nên nổi nhớ nhà
Hải âu cánh trắng gánh ngày qua
Tà trắng áo anh người lính thủy
Trong trắng cuộc đời lính đảo xa.
ĐEN
Khẩu súng anh kề một màu đen
Biển hờn dông tố kéo mây đen
Da màu anh rám đen nắng biển
Để lại nhớ về mái tóc đen.
TÍM
Sim tím mùa hoa trên đảo nhỏ
Hoàng hôn tím biển nhuốm một màu
Xa vợi ai trao màu tím nhớ
Mênh mông trên biển một con tàu.
HỒNG
Long lanh trên sóng nước biển đông
Mổi sáng vừng dương tỏa ánh hồng
Mổi buổi chiều về hồng sắc biển
Má hồng đâu gợi nổi mênh mông.
Ảnh vẻ các bạn
   Ha ha làm thơ, vẻ ảnh tặng bạn gái đó chỉ có ở người lính xa xưa kia, nghe có lạ quá không hở thanh niên ngày nay? Phải sống trong một hoàn cảnh ngặt nghèo ở góc rừng cuối biển trước hòn tên mủi đạn. Họ đã phải hy sinh tất cả tuổi xuân của mình mà không hề kêu ca, tôi là một chứng nhân như thế.

Lê Văn Thưa

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Hồi ức-Quần đảo Hải tặc ký ức không quên

Mới long trời lở đất hôm nào giải phóng miền Nam, không ai có thể tưởng tượng ra vỏn vẹn chỉ 2 năm sau, chiến tranh lại bắt đầu ngấp nghé. Ôi Việt nam, ôi những người trai trẻ lớp tuổi của tôi!?
    Cuối năm 1977 đại đội 12 pháo 85 ly của tôi đã đóng quân ở bán đảo cam Ranh gần 3 năm. Riêng trung đội 1 pháo binh của tôi từng đóng quân ở khu Cáp ngầm đại dương của Mỹ trước đây. Cũng chính từ vị trí này được bộ quốc phòng và bộ tư lệnh hải quân chọn cho cuộc diễn tập lớn nhất Hải -Lục -Không quân năm 1976. Trung đội pháo binh của tôi nằm trong đội hình nòng cốt của cuộc diễn tập này.
   Giờ thì đơn vị tôi đã chính thức được lệnh rời Cam ranh ra chiến trường di chuyển về hướng vùng biển Tây nam bằng một con tàu Hải quân chuyên dụng tàu đỗ bộ LST trọng tải khoảng 2 ngàn tấn. chúng tôi lên tàu từ cảng quân sự Cam ranh cùng nhiều đơn vị như pháo binh, xe tăng, xe máy công trình và dụng cụ phục vụ cho chiến tranh. Trên con đường biển từ Cam ranh đi xuống phía nam hướng lên đảo Phú quốc. Suốt gần 2 ngày đêm lênh đênh trên biển nhiều người chưa quen say sóng nhừ tử. Đây là cuộc chuyển quân dài nhất bằng tàu đổ bộ đường biển trong cuộc đời quân ngủ của tôi đến đảo Phú quốc. Chỉ tạm thời ở Phú quốc một thời gian ngắn trung đội tôi, mà tôi là trung đội trưởng lại được lệnh chuyển quân về đảo Hòn Đốc quần đảo Hải tặc. Đây chính là điểm nóng chiến sự bậc nhất trên toàn quốc vào thời điểm này. Tàu chiến của Khơ me đỏ đã bắn chìm một số thuyền đánh cá của dân và tàu quân sự của ta ở khu vực này. Để phục thù Bộ tư lệnh Hải quân điều trung đội pháo của tôi. Trung đội từng thể hiện màn bắn pháo ngoạn mục trước quan khách và tướng lĩnh bộ quốc phòng trong cuộc diễn tập Cam ranh 1976.
Khẩu đội pháo 85 ly năm 1976
  
Bản đồ cuộc chuyển quân trên biển
Tàu Hải quân đổ bộ LST (ảnh Intenet)
  
Vùng biển Phú quốc - Hà tiên

 Khu vực quần đảo Hải tặc đảo Hòn Đốc
  Ảnh trai trẻ của tôi thời dó
    Trung đội pháo 85 ly của tôi lại được chuyển lên tàu đổ bộ loại nhỏ LCM-8 chuyển quân đến đảo Hòn Đốc. Khi tàu sắp đến đảo thì quá bất ngờ, chỉ còn thiếu băng rôn biểu ngữ và người đứng vẩy cờ hoa. Thay vào đó là có hơn 21 quả chứ không phải là phát đại bác đón chào. Không phải bắn vu vơ như khi đón chào nguyên thủ mà nhằm thẵng vào tàu thật là ngoạn mục. Các cột nước bốc lên tung tóe quanh tàu may không trúng! Tất cả thủy thủ và quân sĩ kể cả tôi có mặt trên tàu đều xanh mặt! Bởi màn đạn phủ đầu đó. Đúng ra viết theo văn vẻ báo chí cách mạng thì chiến sĩ ta vẩn rất hiên ngang dương cao ngọn cờ ý chí anh hùng cách mạng không nao núng tin thần vân vân… Có điều sự thật trước đạn bom đứa nào không biết sợ chỉ họa có mà điên. Cái hình ảnh đạn bom khi mới bước chân đến chảo lửa hòn Đốc đây chính là sự thách thức sống hay chết? Trong thâm sâu thôi thế là hết đường về nơi đảo xa u tịt khốc liệt này! 
  Trên đảo hàng ngày hết đạn pháo đến súng cối, bắn ra từ các đảo của địch: hòn Dung, Keo ngựa, Kiến vàng chỉ tập trung vào một đảo hòn Đốc của ta. Chẵng theo một quy luật nào tự nhiên đạn lại rít réo đùng đoàng. Người ta nói rằng đạn pháo không bao giờ quả sau nổ trùng với hố đạn trước. Tôi chứng kiến nhiều nơi trên đảo 2, 3 quả nổ chồng hố nhau! Bởi mật độ đạn pháo quá nhiều nguy gây cơ thương vong bộ đội ta rất cao. Có một lần khi đang đêm nghe pháo địch bắn tôi vội chạy ra trận địa pháo để sẳn sàng chiến đấu. Bỗng nghe tiếng réo rít tôi nằm ngay xuống lăn đại sang phải. Thì nghe một tiếng inh ngay bên trái chỉ nửa mét, đất đá phủ kín thân. Tôi nằm mà sờ soạng khắp thân thể xem có dính vết thương nào không? Nếu tôi mệnh hệ gì lúc này thì sáng mai đồng đội mới tìm thấy vì trời tối đen như mực trên đồi cây bụi. Nếu tôi không lăn, hay lăn sang trái thì đã anh dũng quang vinh thành liệt sĩ rồi, quả là sự may mắn. Với người cứ luôn mang theo tin thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ngẩng cao đầu xốc tới thì tôi đã tiêu rồi! Hẳn là nhờ vào cái bản năng sợ chết đã cứu mạng tôi đó cũng là cái triết lý sống hết sức tự nhiên…
    Nhưng phải sống với nổi thấp thỏm về tính mạng trên đảo là chưa đủ. Cuộc sống đời thường ở nơi đảo vắng này lại rất khác thường. Được tha hồ tắm tuyền nước biển mặn, sáng dậy lại không cần phải rửa mặt đánh răng, chỉ đủ nước ngọt cho nấu cơm! Hòn Đốc là nơi thiên đường… của thiếu vắng nước ngọt. Hằng ngày là người chỉ huy tôi phải lo cắt cử người đi tìm chặt chuối cây. Không, đây không phải nơi có thể mà nuôi lợn. Chặt cây chuối về rồi (ở đây không có thân chuối to chỉ là cây nhỏ) chỉ cần bóc vỏ khô ngoài cắt ra từng khúc. Rồi tôi phát cho từng anh em trong trung đội mình, đó là tiêu chuẩn. Rồi tôi cùng anh em đồng đội nhanh nhảu gặm rau ráu phần thân chuối của mình. Dưới cái nắng gay gắt đào công sự pháo nhể nhại mồ hôi. Khi mà cỗ họng khô khốc được mấy giọt nước nghiền ra từ thân cây chuối cằn cổi sao cũng thấy mát lòng. Ở trên đời nầy có ai từng thưởng thức thứ mà lợn vẩn ăn này chưa? Khi cái khát đe dọa thì nhai cây chuối cũng cảm thấy dịu lòng. Không biết các đơn vị khác trên đảo bằng cách nào còn trung đội pháo của tôi phát minh ra cách kiếm nước như vầy.
   Trung đội pháo tôi đến hòn Đốc với nhiệm vụ nằm phục để bắn tàu chiến 100 tấn của hải quân Khme đỏ. Nhưng hình như chúng phát hiện được khi ta đưa pháo ra đảo nên không như trước đó loại tàu khá lớn này không hề xuất hiện vào gần đảo nửa. Tiếc quá không có dịp để trổ tài bắn pháo vốn có của đơn vị tôi tiêu diệt tàu địch. Không thì có khi lại trở thành anh hùng hảo… hay đã thành liệt sĩ là cái chắc.
   Những năm tháng ác liệt giờ nhớ lại mới cảm thấy kinh hoàng hơn. Đây có phải nơi giống với địa ngục trần gian thách thức con người ở cái thời máu lửa đó. Hòn Đốc nơi biển bờ xa vắng ai đã từng chiến đấu nơi đây? Vượt qua lưỡi hái của tử thần, qua cái khát cháy lòng sống bên nước lại khốn cùng thiếu nước. Đây có phải là kỷ niệm đau hay niềm tự hào của những người lính đích thực là chiến binh từng gánh chịu trải qua?
    Tôi cũng chưa lần nào kể ra câu chuyện cuộc chiến quần đảo Hải tặc, hòn Đốc này. Cơ bản là chẵng ai buồn quan tâm, đến như nhà nước mà hàng chục năm qua người ta cấm truyền thông đưa tin và kỷ niệm về cuộc chiến Tây nam và biên giới phía Bắc này. Mình như kẻ bị lừa dối đánh hết giặc về bỏ quên luôn. Có mấy ai ở lớp tuổi như tôi dẩu chỉ 20 tuổi quân nhưng phải gánh đến hơn16 năm trực diện với đánh giặc. Năm tháng theo chiến tranh đi suốt thời trai trẻ. Thời đẹp đẻ nhất của cuộc đời lại vùi dập ở nơi quạnh vắng chiến trận xa! Nếu mình không tự nói ra thì không ai hay ai biết, mà cũng chẵng ai cần biết đến! Người ta chỉ cần đến sự tung hô chẵng hạn như đội đi đá banh về nước. Là có ngay ngập trời cờ sao nghẻn đường đưa rước Việt nam muôn năm Việt nam chiến thắng trái banh sái cả họng… Còn người đi đánh giặc quyết tử cho tổ quốc quyết sinh khi trở về như tôi đây chẵng có một lời chào chưa từng ai hỏi đến.
   Hiện nay tôi được ngang tầm với mấy cháu đi lính nghĩa vụ hơn 1 năm ra quân cũng thành CCB cả. Nghĩa là cũng giống như từng đi đánh trận như tôi. Cố gắng viết nên ký ức đời lính với chiến tranh này để mà tự biết, hoặc nửa gặp ai cùng cảnh ngộ sẻ chia. Hay con cháu hiểu ra có cha, ông nó đã phải khốn cùng trải qua chiến trận dài lâu sống sót trở về như thế đấy.

Lê Văn Thưa